Trong một phòng thiền nằm ở sơn cốc nọ có một vị thiền sư già, ông phát hiện mình có một tiểu đệ tự vô cùng chăm chỉ và nhiệt huyết. Bất luận là đi hóa duyên (nhà chùa đi quyên tiền) hay vào bếp chuẩn bị cơm nước, từ sáng đến tối, lúc nào người này cũng bận “tối mắt tối mũi”.
Thế nhưng trong tâm, vị đồ đệ này có một sự giằng co rất lớn, quầng mắt mỗi ngày một thâm và cuối cùng, không thể chịu đựng thêm được nữa, ông ta quyết định tìm đến thầy của mình
“Sư phụ, con thật sự mệt quá rồi, vậy nhưng cũng chưa nhìn thấy thành tích gì, thầy nói cho con biết rốt cục là vì nguyên nhân gì được không?” – vị đồ đệ hỏi.
Thiền sư già trầm ngâm một hồi, nói: “Con mang cái bát thường dùng khi đi hóa duyên ra đây”. Tiểu đồ đệ liền mang cái bát ra.
“Được rồi, đặt nó ở đây rồi đi lấy cho ta vài quả óc chó bỏ vào đó cho đến khi đầy”, thiền sư nói tiếp. Không biết dụng ý của sư phụ ra sao nhưng vị đệ tử vẫn mang một đống óc chó lại. Bỏ được hơn chục quả vào bát, chiếc bát đã đầy ngập.

Lúc này, thiền sư mới quay
sang hỏi học trò: “Con có thể bỏ thêm nhiều óc chó hơn nữa vào cái bát này
không?”
“Không thể bỏ thêm được nữa, nếu bỏ thêm chúng cũng sẽ
rơi xuống thôi thầy ạ”, người này trả lời.
“Ừ, bát đã đầy rồi có đúng không? Vậy con mang ít gạo ra
đây.”
Tiểu đồ đệ lại mang gạo đến, bỏ gạo vào bát qua những kẽ hở
giữa những quả óc chó. Không ngờ, bằng cách này, chiếc bát đựng thêm được khá
nhiều gạo cho đến khi chúng bắt đầu bị rơi ra ngoài.
Vị đệ tử lúc đó mới dừng lại, trong tích tắc, người này như
ngộ ra tất cả: “Ồ, thì ra chiếc bát khi nãy vẫn chưa đầy.”
“Vậy bây giờ đã đầy chưa?” – vị thiền sư già hỏi.
“Đầy rồi thầy ạ”, vị đệ tử trả lời.
“Vậy con tiếp tục đi lấy thêm chút nước đến đây”,
thiền sư nói tiếp.
Người đồ đệ trẻ tuổi làm theo và đổ nước vào bát cho đến khi
không còn một kẽ hở nào được nhìn thấy.
“Lần này đã đầy thật chưa?” – thiền sư lại hỏi.
Vị đệ tử nhìn bát đã đầy nhưng không dám trả lời, vì anh ta
không biết sư phụ còn có thể cho thêm cái gì khác vào chiếc bát đó.
Thấy vậy, thiền sư liền cười, nói: “Con đi lấy cho ta
thìa muối đến đây”. Và rồi ông bỏ muối vào nước, mực nước trong bát không
hề bị tràn ra ngoài.
“Con nói xem việc này nói lên điều gì?”
“Con biết rồi, việc này nói lên rằng, thời gian chỉ cần
dồn nén lại, chúng ta sẽ có.”
Vị sư phụ già lắc đầu, nói: “Đó không phải là điều ta muốn
nói với con”.
Nói xong, ông liền đổ tất cả những thứ trong bát vào một cái
chậu, để lộ ra một cái bát trống rỗng. Vừa chậm rãi làm, thiền sư vừa nói:
“Lúc nãy chúng ta bỏ quả óc chó vào trước, bây giờ chúng ta làm ngược lại,
con xem sẽ thế nào nhé.”
Nói đoạn, ông bỏ một thìa muối vào trong bát, sau đó đổ nước
vào. Đổ đầy rồi, ông tiếp tục bỏ gạo vào, nước bắt đầu tràn ra. Và khi gạo đã
được bỏ đầy bát, lão thiền sư nói với tiểu đồ đệ: “Con xem, bây giờ có thể
bỏ óc chó vào bát không?”
Rồi ông tiếp tục giảng giải: “Nếu cuộc đời con là một
cái bát, khi trong bát chứa toàn những thứ nhỏ nhặt như gạo, nước, vậy thì những
thứ lớn hơn như quả óc chó chẳng hạn, làm sao con có thể bỏ vào bát được nữa?”
Nói đến đây, vị đệ tử trẻ tuổi mới thực sự hiểu hết ý đồ của
thầy mình.
Nếu suốt ngày chúng ta rong
ruổi, bận rộn một cách dị thường, hãy dừng lại một lát và nghĩ: “Phải làm
thế nào để bỏ những quả óc chó vào cuộc đời mình đây? Nếu sinh mệnh chỉ là một
cái bát, vậy thì làm thế nào để phân biệt óc chó và gạo?”
Nếu mỗi người đều hiểu rõ quả óc chó của mình là gì, cuộc sống
sẽ trở nên đơn giản, nhẹ nhõm hơn rất nhiều bởi khi đó, chúng ta chẳng phải
rong ruổi suốt ngày, bận rộn suốt ngày vì những chuyện, những việc vặt vãnh
không mang lại giá trị hay thành tựu.
Bận rộn một cách mù quáng – đó là khi chúng ta lao vào những
việc vặt vãnh mà bỏ lỡ những mục tiêu quan trọng, những việc trọng đại, đó cũng
là một dạng thất bại.
Thế nên, dù là ai đi chăng nữa, chúng ta đều cần học cách điều
chỉnh để đưa quả óc chó vào cái bát cuộc đời, nếu không cả đời này, chúng ta sẽ
bị những việc nhỏ nhặt như gạo, vừng, nước… làm cho đầy ứ, chẳng còn chỗ để
nhét óc chó vào trong.