Theo các nhà tâm lý học, nỗi đau mất người thân là một trong những trạng thái thần kinh căng thẳng nhất mà con người phải chịu đựng. Trong cuộc đời, chắc hẳn ai cũng từng trải qua nỗi đau này. Có người vượt qua nhưng cũng có người đầu hàng trước nó.
Theo nhân sinh quan của đạo
Phật thì tất cả mọi sự vật, hiện tượng trên cuộc đời này đều vận hành theo quy
luật Vô thường, nghĩa là có sinh thì phải có diệt, mạng sống của con người cũng
không ngoại lệ. Dù biết rằng, nỗi đau mất người thân là quá lớn nhưng đó là quy
luật của tự nhiên và ai cũng phải trải qua. Tuy nhiên, một số trường hợp, người
ta vẫn không thể chấp nhận được sự thật này.
Thời Đức Phật, có một phụ nữ tên là Kisa Gotami, ở thành Xá Vệ.
Bà rất nghèo nhưng may mắn lấy được con trai của nhà giàu.
Về làm dâu một gia đình giàu có nhưng không mang theo của hồi
môn, bà bị khinh thường so với những người con dâu khác. May mắn, bà sinh được
một người con trai kháu khỉnh.
Sau khi sinh con, bà được gia đình nhà chồng yêu quý. Đứa con
trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc của bà. Nhưng không lâu sau, đứa trẻ mắc
bệnh và qua đời.
Ngoài nỗi đau mất con, bà còn mất đi giá trị của mình trong
gia đình chồng. Vì quá đau khổ, bà ôm con chạy khắp nơi tìm thuốc chữa bệnh.
Tuy nhiên, cả thành Xá Vệ không ai có thể cứu mạng một đứa trẻ đã chết.
Vì quá thương người mẹ bất hạnh, có người đã chỉ cho bà đến gặp
Phật. Phật bảo bà đi tìm một nắm hạt cải trắng của nhà nào từ trước đến giờ
chưa có ai chết đem về cho Ngài, Ngài sẽ cứu cho.
Vâng theo lời Phật, bà đi khắp từ sáng đến chiều nhưng hỏi
nhà nào cũng có người thân đã chết. Cuối cùng, bà chợt hiểu ra, không phải mình
bà chịu nỗi đau này. Người mẹ chấp nhận sự thật con mình đã qua đời.
Chúng ta luôn nghĩ rằng cuộc đời êm ả, tươi đẹp và hi vọng nỗi
buồn, điều bất trắc sẽ không đến với mình. Để rồi khi tai họa ập đến, ai cũng cảm
thấy đau khổ, suy sụp, không thể vượt qua. Không phải tự nhiên mà Đức Phật nhắc
đến cái khổ trong tuyên ngôn Tứ Diệu Đế sau khi Ngài đắc đạo.
Nếu hiểu rằng “đời là bể khổ”, định luật vô thường chi phối
cuộc sống thì ta có thể đủ mạnh mẽ để đối diện với sự thật về cái chết của những
người thân yêu thậm chí là chính mình khi đứng trước cánh cửa Sinh – Tử.
Vì biết, ai rồi cũng phải chết nên mọi người sẽ biết trân trọng
cuộc sống hơn, yêu thương con người hơn.
Ngoài giáo lý vô thường thì giáo lý về Nhân quả, nghiệp báo
cũng rất quan trọng trong việc điều chỉnh thái độ, suy nghĩ, quan điểm của người
thân với người đã mất.
Các trường hợp người thân ra đi đột ngột, khi tuổi đời còn
quá trẻ hoặc chết trong hoàn cảnh đau đớn, bi thảm luôn khiến người ở lại cảm
thấy đau khổ, dằn vặt thậm chí là oán hận, trách móc.
Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng, không có gì là ngẫu nhiên
hay xui xẻo. Tất cả là do duyên nghiệp của chính người đó đã tạo ra trong quá
khứ và cả hiện tại.
Cách duy nhất để giúp những người thân yêu đã mất của mình được
thanh thản là làm các việc phước thiện để hồi hướng công đức cho họ. Việc chúng
ta chìm trong đau khổ, than khóc, oán hận không giúp ích được những người đã mất
mà còn làm chính mình bị tiêu hao sức khỏe, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia
đình và những người xung quanh.